28 tháng 6, 2013

Lãi suất hạ đến giới hạn cuối cùng

Thông tin:
Ngày 27-6, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cảnh báo việc điều chỉnh chính sách tiền tệ lần này là “đã chạm đến giới hạn cuối cùng”.

Chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD. Ảnh: T.Đ - Đồ họa: V.C

Chính phủ dành trọn ngày 27-6 của phiên họp thường kỳ tháng 6 để trao đổi với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hạ lãi suất. Tuy nhiên, ông Tiến cảnh báo việc điều chỉnh chính sách tiền tệ lần này là “đã chạm đến giới hạn cuối cùng”.

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn
Thừa nhận “thị trường tín dụng ấm lên nhờ các ngân hàng phối hợp với doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản vay”, nhưng Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho rằng hiện nay các ngân hàng đang dư tiền rất nhiều và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. “Chúng tôi kiến nghị các ngân hàng cần xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn được nhiều hơn, đầu tư cho sản xuất kinh doanh để vượt qua khó khăn” - ông Quân nói. 

Đây cũng là đề nghị của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: “Giải pháp quan trọng nhất là phải làm sao tiếp tục thực hiện cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thị trường, vốn, giải quyết tồn kho, nợ xấu... Nên chăng triển khai các biện pháp kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng trong ngắn hạn”.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh bình luận: “Hiện ngân hàng huy động được nguồn vốn rất lớn nhưng cho vay được lại rất ít, tức là nguồn lực của xã hội đang bị đóng băng ở đó. Chính phủ cần có giải pháp nào đó, đặc biệt là giải quyết vấn đề nợ xấu để doanh nghiệp tiếp cận được vốn”. 

Cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đều kêu rằng doanh nghiệp xây dựng gần như không thể tiếp cận được vốn vay do còn tồn đọng nợ và các tiêu chí khắt khe của ngân hàng.

Đáp lại các ý kiến trên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Nguyễn Đồng Tiến nói: “Chính sách tiền tệ có giới hạn nhất định, nếu không phối hợp đồng bộ với các giải pháp khác thì cũng khó mang lại kết quả”. 

Về việc giảm nhẹ trần lãi suất, ông Tiến khẳng định: “Điều chỉnh như vậy là đã chạm đến giới hạn cuối cùng. Bởi khống chế lãi suất mức 7% thì cũng đã tương đương với chỉ số lạm phát”. “Chúng tôi cũng nhận thức rằng nhu cầu vốn của doanh nghiệp vẫn còn lớn. Tuy nhiên, do hoạt động của doanh nghiệp khó khăn, ví dụ như lĩnh vực nông nghiệp nhiều doanh nghiệp làm ăn không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp thì rất khó hội đủ điều kiện để ngân hàng cho vay” - ông Tiến nói.

Chia sẻ với phó thống đốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay: “Tôi có yêu cầu thống đốc giảm lãi suất phải phù hợp với lạm phát. Chứ giảm mà ngang bằng với lạm phát thì ai người ta đem tiền gửi ngân hàng nữa. Và nếu giảm nữa thì người ta chuyển tiền đồng sang mua đôla, mua vàng. Dư địa để điều chỉnh thêm nữa là khó rồi. Tôi đề nghị tăng dư nợ tín dụng nhưng phải tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực có nhu cầu, mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Chúng ta cũng có thể điều chỉnh lại tỉ giá trong biên độ 2-3% nhưng không được giật cục. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm đưa công ty quản lý nợ vào hoạt động trong tháng này để giải quyết vấn đề nợ xấu”.

Nông nghiệp đầy khó khăn
Hụt thu ngân sách ít nhất 65.000 tỉ đồng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tình hình thu ngân sách sẽ rất khó khăn. Đến tháng 6, chỉ có 3/14 khoản thu đạt dự toán 50% trở lên, 11/14 khoản thu thấp hơn yêu cầu tiến độ dự toán dưới 50%. Nhiều địa phương thu đạt dưới mức dự toán 50%, trong đó có những địa phương trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Khả năng cân đối ngân sách năm nay rất khó khăn, dự báo hụt thu so với dự toán ít nhất là 65.000 tỉ đồng.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết vừa rồi đi tiếp xúc cử tri thì bà con nói rằng sản xuất nông nghiệp được mùa nhưng chưa kịp mừng đã lo hàng nông sản rớt giá. 

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Mai Văn Ninh, sản xuất nông nghiệp đang khó đủ bề: xuất khẩu khó, chăn nuôi khó, trồng trọt khó. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho rằng những khó khăn trong ngành nông nghiệp còn do yếu tố chủ quan trong chỉ đạo, điều hành. 

“Ví dụ gạo, chúng ta xuất khẩu 24 năm mà không có thương hiệu, chúng tôi đề nghị mãi nhưng triển khai rất chậm. Trong sản xuất lúa gạo mình cứ làm tự phát, thiếu chiến lược. Nông dân trồng trọt, chăn nuôi theo kiểu hên xui” - ông Thạnh nói.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết vấn đề đang đặt ra hiện nay là sản xuất vẫn cao về số lượng nhưng giá lại xuống. Nguyên nhân giá xuống thấp là do giá thế giới xuống thấp, ví dụ như gạo xuống hơn 12%, cà phê xuống 15%... Nhu cầu trong nước cũng giảm nên giá giảm. 

Việc tăng giảm giá nông sản không phải là dài hạn mà thường là ngắn hạn. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nếu bà con điều chỉnh lại, bớt nguồn cung là giá lại tăng ngay. “Thúc đẩy thị trường là một mặt, nhưng quan trọng hơn là phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp, điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất. Những vùng trồng lúa mà không có lợi thì chúng ta khuyên nông dân không nhất thiết phải trồng lúa. Chúng ta vẫn đang phải nhập khẩu ngô thì phải chuyển mạnh từ lúa sang ngô. Rồi phải thay đổi cơ cấu giống” - ông Phát phân tích.

“Phải xem lại quy hoạch ngành nông nghiệp. Ngay cả sản xuất lúa gạo, trước hết là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, còn xuất khẩu có hiệu quả thì tiếp tục, không có hiệu quả thì thôi, chứ không cứ gì mà phải đặt ra mục tiêu chừng này chừng kia” - Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh góp ý. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu triển khai quyết liệt tái cơ cấu trong ngành nông nghiệp. “Mỗi năm chúng ta bỏ hàng tỉ đôla mua ngô, khô đậu về làm thức ăn chăn nuôi. Nếu chúng ta thấy trồng ngô có hiệu quả tốt hơn trồng lúa thì chuyển sang trồng ngô” - Thủ tướng nói.

Không được lơ là với lạm phát
“Lạm phát không còn là nỗi lo lớn” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định khi chỉ số lạm phát (CPI) tăng không đáng kể từ tháng 3 đến nay, CPI tháng 6-2013 so với tháng 12-2012 tăng 2,4% là mức thấp nhất trong 10 năm qua. 

Cùng với chỉ số lạm phát được cải thiện, ông Vinh cũng khẳng định nhiều chỉ số kinh tế đang tốt dần lên: tồn kho giảm dần (trừ ngành thép và một số ngành), số doanh nghiệp phải dừng hoạt động cũng đang giảm dần, số doanh nghiệp dừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động đang tăng lên... 

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch - đầu tư, GDP bình quân cả năm sẽ tăng khoảng 5,1-5,15%. 

“Nhưng nếu tình hình khả quan hơn thì hoàn toàn có thể đạt được 5,5%” - ông Vinh nói. Ông cũng đề nghị lạm phát ở mức 7-8% là đẹp, bởi từ nay đến cuối năm sẽ tăng tốc đầu tư cho giao thông, kích cầu, một số mặt hàng như điện, viện phí có thể sẽ tăng...

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói việc triển khai các chủ trương, nghị quyết còn chậm. “Chúng ta làm có cái còn chậm quá. Ví dụ như việc thành lập công ty mua bán nợ thì 6-7 tháng trời mới xong nghị định, bây giờ từ nghị định đến thực hiện cần tiến hành khẩn trương” - Thủ tướng nhấn mạnh. 

Thủ tướng cũng nhận định còn nhiều khó khăn, thách thức trong sáu tháng cuối năm. “Tinh thần là phấn đấu đạt kết quả cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ từ đầu năm đã đặt ra. Chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ” - Thủ tướng kết luận. Lo lắng về khoản hụt thu ngân sách dự kiến lên đến 65.000 tỉ đồng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hết sức tiết kiệm chi, ưu tiên chi những nhiệm vụ bức xúc, còn những cái nào chậm lại được năm sau thì để lại.
LÊ KIÊN
Theo Tuoitre.vn
Kế toán 7E
Tags:
0 Nhận Xét
G+ Nhận Xét
Nhận Xét

Đăng nhận xét