Các quy định mới được sửa đổi, bổ sung về thuế GTGT
Thông tin:
Luật
thuế GTGT số 13/2008/QH12 được thông qua ngày 03/6/2008 tại kỳ họp thứ 9 Quốc
hội Khoá XII có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 để thay thế cho Luật thuế
GTGT năm 1997 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT năm
2003, năm 2005. Qua quá trình triển khai thực hiện, những quy định của Luật
thuế GTGT đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế, xã hội
của đất nước và đạt được mục tiêu đề ra khi ban hành Luật. Tuy nhiên, do những
biến động nhanh về kinh tế - xã hội và trước yêu cầu ngày càng cao về hiện đại
hóa công tác quản lý thuế nên một số quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế,
vướng mắc cần phải được sửa đổi, bổ sung.
Ngày
19/6/2013, Quốc hội khoá 13 đã thông qua Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật thuế GTGT, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Nội dung sửa đổi,
bổ sung của Luật thuế GTGT
lần này tập trung vào 7 nhóm vấn đề, cụ thể:
1.
Về đối tượng không chịu thuế:
Để phù hợp và đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống phát luật, đồng thời để
thực hiện chiến lược, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước, Luật
thuế GTGT số 31/2013/QH13 đã bổ sung đối tượng không chịu thuế GTGT: “Bảo
hiểm sức khỏe, các dịch vụ bảo hiểm khác liên quan đến con người; các dịch vụ bảo
hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu, thuyền; trang thiết bị và
các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thuỷ sản; Bán tài sản bảo
đảm của khoản nợ của tổ chức Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ
thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam; Phụ tùng thuộc
loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt
động nghiên cứu khoa học”.
Luật thuế GTGT sửa đổi, bổ sung đã chuyển “dịch vụ
phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư” từ đối
tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế suất 10%. Việc chuyển dịch
vụ này vào diện chịu thuế GTGT là cần thiết để bảo đảm tính liên hoàn của thuế
GTGT, vì trong thực tiễn các doanh nghiệp đã đầu tư lớn cho việc xử lý chất
thải, tái chế phế liệu mà sản phẩm đầu ra (phân vi sinh, sản phẩm tái chế từ
nhựa, thuỷ tinh,...) chịu thuế GTGT nhưng không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT
đầu vào. Trường hợp cung cấp hàng hoá, dịch vụ theo phương thức Nhà nước đặt
hàng thì Nhà nước bố trí đủ kinh phí để doanh nghiệp nộp thuế.
Ngoài ra, Luật thuế GTGT số 31/QH13/2013 đã chuyển
đổi căn cứ để xác định hàng hoá, dịch vụ không chịu
thuế GTGT của hộ, cá nhân kinh doanh có thu nhập thấp từ tiêu
thức thu nhập so với mức tiền lương tối thiểu sang tiêu thức doanh thu. Cụ
thể: “Hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100
triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT”. Việc chuyển đổi
căn cứ này nhằm đảm bảo phù hợp bản chất của thuế GTGT là thu theo hàng hóa và
dịch vụ, đồng thời đảm bảo sự ổn định hơn của chính sách so với quy định theo mức lương tối thiểu
chung như hiện hành (mức lương tối thiểu thường được Nhà nước điều chỉnh hàng
năm) và khắc phục sự phức tạp trong quá trình thực hiện do phải xác định thu
nhập của các đối tượng này, tạo thuận lợi hơn cho cơ quan thuế và người nộp
thuế trong việc thực thi pháp luật thuế GTGT.
2. Về giá tính
thuế GTGT:
Bổ sung quy định “giá tính thuế GTGT đối với hàng hoá
chịu thuế bảo vệ môi trường là giá bán đã có thuế bảo vệ môi trường nhưng chưa
có thuế GTGT”. Việc bổ sung quy định này là để bảo đảm đồng bộ
trong hệ thống chính sách thuế và phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế về giá tính
thuế GTGT là giá bán cuối cùng chưa có thuế GTGT. (Theo Luật thuế bảo
vệ môi trường thì Thuế BVMT là khoản thuế gián thu tính bằng mức tuyệt đối cộng vào
giá bán của hàng hoá chịu thuế do người mua, người nhập khẩu hàng hoá trả. Thuế
BVMT cấu thành trong giá vốn hàng hoá của người nộp thuế BVMT. Do vậy trong các
khâu sau khâu nộp thuế người bán không thể xác định được số thuế BVMT trong giá
trị hàng hoá khi bán cho khách hàng, không tách được thuế BVMT khỏi giá tính
thuế GTGT).
3. Về thuế suất
thuế GTGT:
Bổ sung quy định
về nguyên tắc xác định hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu áp dụng thuế suất 0% là “Hàng hoá, dịch
vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, trong khu phi thuế quan; hàng hoá,
dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ”. Việc bổ sung
quy định này nhằm đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế về việc xác định hàng
hóa, dịch vụ xuất khẩu được căn cứ vào nơi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài, kể
cả các loại hình dịch vụ thực hiện trong nước nhưng được sử dụng (tiêu dùng) ở
nước ngoài, tránh các trường hợp lách luật (cung cấp dịch vụ cho nước ngoài nhưng
thực tế dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam) cũng như giải quyết được vướng mắc cho
NNT trong trường hợp dịch vụ được xuất khẩu và được tiêu dùng ngoài Việt Nam
nhưng không được xem là xuất khẩu theo quy định hiện
hành vì phía nước ngoài này có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Bổ sung mức thuế
suất 5% đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của
Luật nhà ở.
4. Về ngưỡng đăng
ký nộp thuế GTGT và phương pháp tính thuế
a) Ngưỡng đăng ký
nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
Thực tế quản lý thuế hiện có khoảng 550.000
tổ chức kinh tế thuộc diện kê khai và nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
Trong đó có khoảng 1/3 là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và rất nhỏ, doanh thu chưa
tới 1 tỷ đồng/năm, số thu thuế GTGT chiếm khoảng 0,3% tổng thu về thuế GTGT. Đối với hầu hết doanh
nghiệp nhỏ, rất nhỏ, việc tổ chức bộ máy kế toán chưa bảo đảm tuân thủ theo
Luật kế toán, chế độ hoá đơn chứng từ. Một số ít doanh nghiệp lợi dụng cơ chế
thông thoáng trong việc thành lập doanh nghiệp để thành lập doanh nghiệp mua
bán hoá đơn, thậm chí lập khống hoá đơn cho các doanh nghiệp khác để kê khai
khấu trừ đầu vào, vừa ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh, vừa gây
thất thu NSNN.
Theo kinh nghiệm quốc tế thì đa số các nước
đều có quy định ngưỡng doanh thu kê khai nộp thuế GTGT
để xác định đối tượng đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ (có doanh
thu vượt trên mức ngưỡng) nhằm đơn giản hoá thủ tục, tiết kiệm chi phí cho
người nộp thuế có qui mô kinh doanh nhỏ và chống gian lận thuế. Chính vì thế
Luật thuế GTGT lần này đã bổ sung quy định về ngưỡng doanh thu nộp
thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Cụ thể: Cơ sở kinh doanh có
doanh thu hàng năm từ bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên, trừ
hộ, cá nhân kinh doanh và trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương
pháp khấu trừ.
Như vậy, từ ngày 01/01/2014, hộ, cá nhân kinh doanh
thuộc đối tượng áp dụng thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp - không thuộc đối
tượng áp dụng phương pháp khấu trừ kể cả trường hợp có doanh thu hàng năm trên
1 tỷ.
b) Về phương pháp
tính trực tiếp:
Phương pháp tính
trực tiếp trên giá trị gia tăng: Áp dụng đối với hoạt động mua bán,
chế tác vàng, bạc, đá quý.
Cách xác định: Số thuế phải nộp bằng (=) Giá trị gia tăng
nhân (x) Thuế suất thuế giá trị gia tăng.
Phương pháp tính
trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu: Áp dụng đối với Doanh nghiệp, hợp
tác xã có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng, trừ trường
hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế; Hộ, cá nhân kinh
doanh; Nhà thầu nước ngoài chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng
từ.
Cách xác định: Số
thuế phải nộp bằng (=) Tỷ lệ % nhân (x) Doanh thu.
Tỷ lệ % để tính thuế GTGT được phân biệt theo 4 loại ngành
nghề: Phân phối, cung cấp hàng hoá: 1%; Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên
vật liệu: 5%; Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có
bao thầu nguyên vật liệu: 3%; Hoạt động kinh doanh khác: 2%.
5. Về khấu trừ
thuế GTGT
Để
phù hợp với quy định pháp luật về quản lý thuế đồng thời
đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi cho người
nộp thuế, Luật Thuế GTGT số 31/2013/QH13 đã bỏ khống chế thời
hạn (6 tháng) kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với
hóa đơn điều chỉnh bổ sung trong trường hợp có sai sót, theo đó “cơ sở kinh doanh
phát hiện số thuế giá trị gia tăng đầu vào khi kê khai, khấu trừ bị sai sót thì
được kê khai, khấu trừ bổ sung trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm
tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.”
Đồng thời, Luật thuế GTGT số 31/2013/QH13 cũng bỏ quy định “thuế GTGT đầu vào
của TSCĐ sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh HHDV chịu thuế GTGT và
không chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ” để bảo đảm nhất
quán với nguyên tắc chỉ khấu trừ thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất, kinh
doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT, tránh các trường hợp lợi dụng để trục lợi và góp phần xử lý các
vướng mắc trong hoàn thuế GTGT hiện nay.
6. Về hoàn thuế
GTGT
Bổ sung trường hợp hoàn thuế theo
quý, theo đó trường hợp cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng khai theo quý nếu
có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết trong quý thì được
khấu trừ vào kỳ tiếp theo; trường hợp sau bốn quý tính từ quý đầu tiên phát
sinh số thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ mà vẫn còn số thuế giá trị gia
tăng đầu vào chưa được khấu trừ thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế.
Sửa đổi phương
thức hoàn thuế: từ “trong 03 tháng liên tục có số thuế chưa
được khấu trừ hết” thành “sau ít nhất mười hai tháng tính từ tháng đầu
tiên nếu còn số thuế âm mới được hoàn thuế”. Việc
sửa đổi quy định này sẽ có tác dụng khắc phục bất cập hiện nay, giảm khó
khăn cho quỹ hoàn thuế, góp phần chống lợi dụng, gian lận trong hoàn thuế đồng thời có tác dụng thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất trong
nước đẩy nhanh việc đưa dự án vào hoạt động và thúc đẩy quá trình lưu thông
hàng hóa, trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn được hoàn thuế như hiện
nay.
Sửa mức thuế tối
thiểu được hoàn đối với đầu tư và xuất khẩu đang quy định là
200 triệu đồng thành 300 triệu đồng. Việc sửa đổi quy
định này sẽ góp phần bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội
và điều kiện, khả năng quản lý hiện nay, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận
lợi cho người nộp thuế và cơ quan thuế, giảm khối lượng hồ sơ hoàn thuế.
Bổ sung quy định
việc hoàn thuế đối với hàng hoá mang theo khi xuất cảnh của người mang hộ chiếu
nước ngoài.
7. Về giải pháp
giảm thuế GTGT và hiệu lực thi hành
Nhằm góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh
nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, đồng thời thể hiện sự chia sẻ, hỗ trợ của nhà nước đối với những
người có thu nhập thấp trong việc mua nhà ở thì một số nội dung
trong Luật thuế GTGT số 31/2012/QH13 đã được phép áp dụng ngay từ 01/7/2013. Cụ
thể:
-
Giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (từ ngày 01/7/2013 đến hết
ngày 30/6/2014) đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại là căn hộ
hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu
đồng/m2.
- Áp dụng thuế suất
5% đối với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật nhà
ở.
Nguồn : Tổng cục thuế
Đăng nhận xét